Bình Định có truyền thống hát bội từ lâu đời và phát triển thành phong trào mạnh mẽ với nhiều tên tuổi đào, kép lừng danh cả nước. Từ xưa, khi các làng xã ở Bình Định có lễ đình, chùa vào dịp cúng kính Xuân kỳ, Thu tế đều tổ chức hát bội. Thậm chí với những gia đình khá giả khi sinh con, gặp dịp may phát tài hoặc giỗ kỵ trong nhà cũng tổ chức hát bội để tăng phần long trọng. Có những khi đám hát kéo dài suốt cả tháng liền. Chính vì vậy ở Bình Định có rất nhiều làng hát bội, nhiều gánh hát bội ra đời.
Biểu diễn hát bội ở Phước An.
Từ thời Đào Tấn đến trước năm 1975 ở Bình Định đã có nhiều gánh hát bội do học trò và những học trò của học trò Đào Tấn làm bầu. Đến khoảng thời gian từ 1975 đến 1986 ở Bình Định có hơn 60 gánh hát bội không chuyên, chủ yếu tập trung ở các làng xã thuộc huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát... Tất cả các làng hát bội ấy đều có kép hay, đào đẹp khiến người xem mỗi khi “Tai nghe trống chiến, không khiến cũng đi; nghe dục trống chầu, đâm đầu mà chạy".
Ở huyện Tuy Phước vào đầu thế kỷ XX, quê hương của vị hậu Tổ hát bội Đào Tấn, các gánh hát chủ yếu tập trung ở các xã Phước An, Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước Hoà. Tiêu biểu là các gánh hát ở xã Phước An với truyền thống lâu đời, nổi bật nhiều nghệ sĩ lừng danh như Chánh ca Đựng, Chánh ca Ghềnh, Phó ca Thơm, Nhưng Sung, Thập Ân... Cả gia đình Chánh ca Đựng đều nối nghiệp hát bội và nổi tiếng với những vai diễn để đời. Cha con, anh em lập gánh hát riêng, bà con dân làng thuộc tên cứ gọi gánh bầu Thơm, gánh bầu Tho. Các gánh hát nổi tiếng ở Phước An và trong tỉnh là gánh của Chánh ca Ghềnh (tức Võ Ngũ) thuộc thôn An Sơn xã Phước An, sau này truyền lại cho Năm Cập. Đây là gánh hát có tiếng vang xa, mỗi khi gánh hát lên đèn thì khán giả đi xem rất đông.
Những năm 1920 đến 1930 ở thôn An Hòa nổi tiếng gánh hát của Chánh ca Đựng. Sau này truyền lại cho bầu Thơm (Võ Bản). Em trai bầu Thơm là Võ Sâm cũng lập gánh hát, từ An Hòa đi lưu diễn khắp nơi. Tiếp sau thời kỳ này là các gánh hát của bầu Xuân, rồi Ngọc Cầm, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Cẩm. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội. Thân sinh của bà là cửu phẩm Võ Đựng thuộc làng Dương An (nay là An Hòa 1) xã Phước An được triều đình nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu Chánh ca. Võ Nhì (Ghềnh) là chú ruột của bà cũng được phong tặng danh hiệu Chánh ca. Bầu Thơm là anh thứ hai, bầu Sau là anh thứ ba của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm. Hai người anh của bà đã kế tục sự nghiệp của cha mình, gìn giữ và phát triển các gánh hát ở địa phương, rồi đến lượt bà cũng như các thế hệ cha anh, Ngọc Cầm đã theo gánh hát ở Phước An biểu diễn rất nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc và một số địa phương Nam bộ lúc bấy giờ. Năm 1971 Ngọc Cầm cùng đoàn hát đi Sài Gòn dự thi do Đoàn Khổng học tỉnh tuyển chọn với hai vở diễn là: Ngũ hổ bình tây và Hộ sanh đàn.
Năm 1972, Ngọc Cầm cùng nghệ sĩ Long Trọng tham gia thành lập gánh hát “Ý hiệp miền Trung” tại Quảng Nam. Đến năm 1975 lên Gia Lai thành lập Đoàn hát bội Bình Nguyên. Năm 1980 về Quy Nhơn tham gia thành lập Đoàn tuồng 3 thuộc Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn). Hiện nay Nghệ sĩ ưu tú Võ Thị Ngọc Cầm đang ở cùng con gái của mình tại thành phố Playku nhưng Bà vẫn gắn bó nghề nghiệp với Nhà hát tuồng Đào Tấn và giúp đỡ bầu Hoàng Minh (cháu Bà) về nghiệp tổ. Lúc này ở thôn Đại Hội xã Phước An cũng có gánh Bầu Sa (Nguyễn Bá) tập trung được một số đào, kép giỏi nên cũng gây được tiếng vang tại địa phương. Có thể nói hoạt động của các gánh hát ở xã Phước An diễn ra vô cùng sôi nổi, chiếm được cảm tình tốt đẹp của mọi tầng lớp khán giả.
Luôn gìn giữ nghệ thuật sân khấu truyền thống, Phước An là địa phương có nhiều gánh hát bội không chuyên qua nhiều thế hệ so với các xã trong huyện Tuy Phước. Cả Phước An với sáu thôn thì có thời điểm năm thôn đều thành lập gánh hát. Ở thôn An Sơn có gánh hát do Nguyễn Bì (Dư) làm bầu. Thôn Đại Hội có gánh hát bội do Nguyễn Tòng (Tám Tòng) con trai bầu Sa phụ trách.Và thôn An Hòa vẫn là nơi có gánh hát mạnh nhất xã với một thế hệ diễn viên trẻ như Mười Hàn, Kim Chung, Ngọc Hương, Hoàng Minh, Linh Nghiệp đầy tài năng, sung sức trên con đường nghệ thuật. UBND xã Phước An đã quyết định thành lập Đoàn hát bội mà nòng cốt là các diễn viên thôn An Hòa. Cho tới nay, Đoàn hát bội Phước An vẫn đi lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Nhiều diễn viên của Đoàn hát bội Phước An đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen tại các kỳ hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc. Năm 1992 ông Tô Đình Cơ lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đội tuyển các nghệ sĩ hát bội không chuyên gồm sáu người của Bình Định ra biểu diễn phục vụ Quốc hội tại thủ đô Hà Nội thì Đoàn hát bội Phước An có hai diễn viên là Kim Chung và Ngọc Hương vinh dự được góp mặt. Có thể nói các gánh hát bội ở Phước An từ xưa nay đều có nhiều đào hay, kép giỏi, đi biểu diễn ở đâu cũng được khán giả yêu mến về phong cách và ngợi khen về nghệ thuật. Đó là một nét son, niềm tự hào về văn hóa cổ truyền dân tộc của Phước An nói riêng và Bình Định nói chung.
Cảnh trong vở diễn của Đoàn hát bội Phước An.
Diễn trình lịch sử - văn hóa đã hình thành những làng hát bội cổ truyền hầu như không tách hẳn ranh giới với các lò võ thuật cổ truyền và nền nông nghiệp. Suy cho cùng, sinh mệnh của các làng hát bội khởi thủy chỉ nhằm vào việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phản ảnh, giáo dục lối sống, nếp sống của chính người nông dân trong các làng xã nông nghiệp. Cho nên khi đặc trưng ấy có sự thay đổi cũng chính là những thử thách đối với sự nghiệp hát bội không chuyên trong việc gìn giữ, đổi mới và phát triển. Khi luỹ tre làng không còn là rào chắn của mọi hoạt động kinh tế - xã hội; mọi điều diễn ra một cách công bằng trước thực tế cạnh tranh và giao lưu, hội nhập thì các làng hát bội cổ truyền cũng phải tự mình gìn giữ, phát huy và đổi mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, phải tự khẳng định mình trước nhiều bộ phận khán giả.
Trong xã hội hiện đại, các loại hình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu ca nhạc, kịch nói, truyền hình, internet… ngày càng tỏ ra nhiều ưu điểm thuyết phục và cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đối với nghệ thuật sân khấu hát bội nói chung, làng hát bội cổ truyền ở Phước An nói riêng. Tất nhiên cũng có những gánh hát, những làng hát bội do đặc điểm lịch sử, cũng như trước sự phát triển không ngừng về mọi mặt như báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, sân khấu ca nhạc hiện đại… đã không còn lý do tồn tại trong một cộng đồng nào đó, tức là không tự mình vươn lên, tìm kiếm trong sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng đã được bồi đắp bao đời để đem lại nét mới lạ, hấp dẫn trước biển người khán giả coi hát bội đã có từ xưa nay.
Nghệ thuật hát bội có thể phát huy được khả năng cạnh tranh, xứng đáng được khuyến khích bảo trợ trong nền kinh tế hiện đại. Bởi, trong một cách hiểu nào đó, nó không mang nét lạnh lùng, đơn điệu, khô cứng hay hào nhoáng trong phút chốc của những món nghề biểu diễn mà đòi hỏi người xem phải có tư duy hưởng thụ một sắc thái văn hóa, hiểu một pho chuyện được đoàn hát biểu diễn mới thấm thía ý nghĩa mà diễn viên thể hiện trên sân khấu. Ngược lại, có một số loại hình biểu diễn dễ xâm nhập người xem hơn, tiết tấu nghệ thuật đòi hỏi tinh xảo, phong phú nhưng không hàm chứa sắc thái văn hóa dân tộc bản địa và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Hiện nay làng hát bội cổ truyền ở Phước An đã có những bước phát triển mới, đã dàn dựng, biểu diễn một số vở tuồng tiểu thuyết, tuồng truyện bên cạnh các vở tuồng đồ, tuồng thầy, tuồng pho, làm phong phú loại hình biểu diễn trong các tầng lớp khán giả. Do vậy, khán giả đến với nghệ thuật sân khấu hát bội không chỉ để tìm những hồi ức quá khứ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân được hun đúc bao đời nay, những giá trị “đỉnh cao” của nghệ thuật cổ truyền. Nói như vậy chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những thành tựu các loại hình biểu diễn hiện đại được sáng tạo ra hàng loạt, hoặc thiếu tính khẳng định về sự cần thiết của nó như là vết son của những phát kiến đầy trí tuệ của con người trong đời sống xã hội.
Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống của “cái đại dương khán giả” từ xưa nay mà biểu thị bản sắc văn hóa người Bình Định; là một trong những làng cổ truyền tạo dấu ấn cho du khách về làng xã nông thôn Bình Định gắn liền với quá trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu hát bội ở Bình Định. Đồng thời chúng ta cũng không thể chấp nhận với một đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống hát bội ngày càng mai một những món nghề độc đáo mà thay vào đó những cách tân, cải biên mang nặng tính thị hiếu bình dân tức thời và thiển cận.
Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật sân khấu truyền thống mà một vài năm trở lại đây có sự gợi mở, tác động đến phát triển kinh tế, nhưng các tuyến du lịch tham quan của du khách đến Bình Định đối với văn hóa nghệ thuật vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Không có gì lạ khi chúng ta thấy ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển cao của thế giới, các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làng nghề sân khấu truyền thống và những đoàn hát nghệ thuật sân khấu không chuyên có mối quan hệ hữu cơ và có chỗ đứng quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của họ. Đối với kho tàng di sản văn hóa Bình Định, để có được một làng hát bội cổ truyền và những gánh hát bội không chuyên như ở xã Phước An chúng ta đã trải qua 200 năm, cả một diễn trình lịch sử hình thành và phát triển làng xã.
NGUYỄN VĂN NGỌC (Tạp chí KH&CN)
Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&macmp=26&mabb=28697
Từ thời Đào Tấn đến trước năm 1975 ở Bình Định đã có nhiều gánh hát bội do học trò và những học trò của học trò Đào Tấn làm bầu. Đến khoảng thời gian từ 1975 đến 1986 ở Bình Định có hơn 60 gánh hát bội không chuyên, chủ yếu tập trung ở các làng xã thuộc huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát... Tất cả các làng hát bội ấy đều có kép hay, đào đẹp khiến người xem mỗi khi “Tai nghe trống chiến, không khiến cũng đi; nghe dục trống chầu, đâm đầu mà chạy".
Ở huyện Tuy Phước vào đầu thế kỷ XX, quê hương của vị hậu Tổ hát bội Đào Tấn, các gánh hát chủ yếu tập trung ở các xã Phước An, Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước Hoà. Tiêu biểu là các gánh hát ở xã Phước An với truyền thống lâu đời, nổi bật nhiều nghệ sĩ lừng danh như Chánh ca Đựng, Chánh ca Ghềnh, Phó ca Thơm, Nhưng Sung, Thập Ân... Cả gia đình Chánh ca Đựng đều nối nghiệp hát bội và nổi tiếng với những vai diễn để đời. Cha con, anh em lập gánh hát riêng, bà con dân làng thuộc tên cứ gọi gánh bầu Thơm, gánh bầu Tho. Các gánh hát nổi tiếng ở Phước An và trong tỉnh là gánh của Chánh ca Ghềnh (tức Võ Ngũ) thuộc thôn An Sơn xã Phước An, sau này truyền lại cho Năm Cập. Đây là gánh hát có tiếng vang xa, mỗi khi gánh hát lên đèn thì khán giả đi xem rất đông.
Những năm 1920 đến 1930 ở thôn An Hòa nổi tiếng gánh hát của Chánh ca Đựng. Sau này truyền lại cho bầu Thơm (Võ Bản). Em trai bầu Thơm là Võ Sâm cũng lập gánh hát, từ An Hòa đi lưu diễn khắp nơi. Tiếp sau thời kỳ này là các gánh hát của bầu Xuân, rồi Ngọc Cầm, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Cẩm. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội. Thân sinh của bà là cửu phẩm Võ Đựng thuộc làng Dương An (nay là An Hòa 1) xã Phước An được triều đình nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu Chánh ca. Võ Nhì (Ghềnh) là chú ruột của bà cũng được phong tặng danh hiệu Chánh ca. Bầu Thơm là anh thứ hai, bầu Sau là anh thứ ba của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm. Hai người anh của bà đã kế tục sự nghiệp của cha mình, gìn giữ và phát triển các gánh hát ở địa phương, rồi đến lượt bà cũng như các thế hệ cha anh, Ngọc Cầm đã theo gánh hát ở Phước An biểu diễn rất nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc và một số địa phương Nam bộ lúc bấy giờ. Năm 1971 Ngọc Cầm cùng đoàn hát đi Sài Gòn dự thi do Đoàn Khổng học tỉnh tuyển chọn với hai vở diễn là: Ngũ hổ bình tây và Hộ sanh đàn.
Năm 1972, Ngọc Cầm cùng nghệ sĩ Long Trọng tham gia thành lập gánh hát “Ý hiệp miền Trung” tại Quảng Nam. Đến năm 1975 lên Gia Lai thành lập Đoàn hát bội Bình Nguyên. Năm 1980 về Quy Nhơn tham gia thành lập Đoàn tuồng 3 thuộc Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn). Hiện nay Nghệ sĩ ưu tú Võ Thị Ngọc Cầm đang ở cùng con gái của mình tại thành phố Playku nhưng Bà vẫn gắn bó nghề nghiệp với Nhà hát tuồng Đào Tấn và giúp đỡ bầu Hoàng Minh (cháu Bà) về nghiệp tổ. Lúc này ở thôn Đại Hội xã Phước An cũng có gánh Bầu Sa (Nguyễn Bá) tập trung được một số đào, kép giỏi nên cũng gây được tiếng vang tại địa phương. Có thể nói hoạt động của các gánh hát ở xã Phước An diễn ra vô cùng sôi nổi, chiếm được cảm tình tốt đẹp của mọi tầng lớp khán giả.
Luôn gìn giữ nghệ thuật sân khấu truyền thống, Phước An là địa phương có nhiều gánh hát bội không chuyên qua nhiều thế hệ so với các xã trong huyện Tuy Phước. Cả Phước An với sáu thôn thì có thời điểm năm thôn đều thành lập gánh hát. Ở thôn An Sơn có gánh hát do Nguyễn Bì (Dư) làm bầu. Thôn Đại Hội có gánh hát bội do Nguyễn Tòng (Tám Tòng) con trai bầu Sa phụ trách.Và thôn An Hòa vẫn là nơi có gánh hát mạnh nhất xã với một thế hệ diễn viên trẻ như Mười Hàn, Kim Chung, Ngọc Hương, Hoàng Minh, Linh Nghiệp đầy tài năng, sung sức trên con đường nghệ thuật. UBND xã Phước An đã quyết định thành lập Đoàn hát bội mà nòng cốt là các diễn viên thôn An Hòa. Cho tới nay, Đoàn hát bội Phước An vẫn đi lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Nhiều diễn viên của Đoàn hát bội Phước An đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen tại các kỳ hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc. Năm 1992 ông Tô Đình Cơ lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đội tuyển các nghệ sĩ hát bội không chuyên gồm sáu người của Bình Định ra biểu diễn phục vụ Quốc hội tại thủ đô Hà Nội thì Đoàn hát bội Phước An có hai diễn viên là Kim Chung và Ngọc Hương vinh dự được góp mặt. Có thể nói các gánh hát bội ở Phước An từ xưa nay đều có nhiều đào hay, kép giỏi, đi biểu diễn ở đâu cũng được khán giả yêu mến về phong cách và ngợi khen về nghệ thuật. Đó là một nét son, niềm tự hào về văn hóa cổ truyền dân tộc của Phước An nói riêng và Bình Định nói chung.

Diễn trình lịch sử - văn hóa đã hình thành những làng hát bội cổ truyền hầu như không tách hẳn ranh giới với các lò võ thuật cổ truyền và nền nông nghiệp. Suy cho cùng, sinh mệnh của các làng hát bội khởi thủy chỉ nhằm vào việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phản ảnh, giáo dục lối sống, nếp sống của chính người nông dân trong các làng xã nông nghiệp. Cho nên khi đặc trưng ấy có sự thay đổi cũng chính là những thử thách đối với sự nghiệp hát bội không chuyên trong việc gìn giữ, đổi mới và phát triển. Khi luỹ tre làng không còn là rào chắn của mọi hoạt động kinh tế - xã hội; mọi điều diễn ra một cách công bằng trước thực tế cạnh tranh và giao lưu, hội nhập thì các làng hát bội cổ truyền cũng phải tự mình gìn giữ, phát huy và đổi mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, phải tự khẳng định mình trước nhiều bộ phận khán giả.
Trong xã hội hiện đại, các loại hình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu ca nhạc, kịch nói, truyền hình, internet… ngày càng tỏ ra nhiều ưu điểm thuyết phục và cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đối với nghệ thuật sân khấu hát bội nói chung, làng hát bội cổ truyền ở Phước An nói riêng. Tất nhiên cũng có những gánh hát, những làng hát bội do đặc điểm lịch sử, cũng như trước sự phát triển không ngừng về mọi mặt như báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, sân khấu ca nhạc hiện đại… đã không còn lý do tồn tại trong một cộng đồng nào đó, tức là không tự mình vươn lên, tìm kiếm trong sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng đã được bồi đắp bao đời để đem lại nét mới lạ, hấp dẫn trước biển người khán giả coi hát bội đã có từ xưa nay.
Nghệ thuật hát bội có thể phát huy được khả năng cạnh tranh, xứng đáng được khuyến khích bảo trợ trong nền kinh tế hiện đại. Bởi, trong một cách hiểu nào đó, nó không mang nét lạnh lùng, đơn điệu, khô cứng hay hào nhoáng trong phút chốc của những món nghề biểu diễn mà đòi hỏi người xem phải có tư duy hưởng thụ một sắc thái văn hóa, hiểu một pho chuyện được đoàn hát biểu diễn mới thấm thía ý nghĩa mà diễn viên thể hiện trên sân khấu. Ngược lại, có một số loại hình biểu diễn dễ xâm nhập người xem hơn, tiết tấu nghệ thuật đòi hỏi tinh xảo, phong phú nhưng không hàm chứa sắc thái văn hóa dân tộc bản địa và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Hiện nay làng hát bội cổ truyền ở Phước An đã có những bước phát triển mới, đã dàn dựng, biểu diễn một số vở tuồng tiểu thuyết, tuồng truyện bên cạnh các vở tuồng đồ, tuồng thầy, tuồng pho, làm phong phú loại hình biểu diễn trong các tầng lớp khán giả. Do vậy, khán giả đến với nghệ thuật sân khấu hát bội không chỉ để tìm những hồi ức quá khứ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân được hun đúc bao đời nay, những giá trị “đỉnh cao” của nghệ thuật cổ truyền. Nói như vậy chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những thành tựu các loại hình biểu diễn hiện đại được sáng tạo ra hàng loạt, hoặc thiếu tính khẳng định về sự cần thiết của nó như là vết son của những phát kiến đầy trí tuệ của con người trong đời sống xã hội.
Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống của “cái đại dương khán giả” từ xưa nay mà biểu thị bản sắc văn hóa người Bình Định; là một trong những làng cổ truyền tạo dấu ấn cho du khách về làng xã nông thôn Bình Định gắn liền với quá trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu hát bội ở Bình Định. Đồng thời chúng ta cũng không thể chấp nhận với một đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống hát bội ngày càng mai một những món nghề độc đáo mà thay vào đó những cách tân, cải biên mang nặng tính thị hiếu bình dân tức thời và thiển cận.
Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật sân khấu truyền thống mà một vài năm trở lại đây có sự gợi mở, tác động đến phát triển kinh tế, nhưng các tuyến du lịch tham quan của du khách đến Bình Định đối với văn hóa nghệ thuật vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Không có gì lạ khi chúng ta thấy ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển cao của thế giới, các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làng nghề sân khấu truyền thống và những đoàn hát nghệ thuật sân khấu không chuyên có mối quan hệ hữu cơ và có chỗ đứng quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của họ. Đối với kho tàng di sản văn hóa Bình Định, để có được một làng hát bội cổ truyền và những gánh hát bội không chuyên như ở xã Phước An chúng ta đã trải qua 200 năm, cả một diễn trình lịch sử hình thành và phát triển làng xã.
NGUYỄN VĂN NGỌC (Tạp chí KH&CN)
Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&macmp=26&mabb=28697
0 nhận xét:
Đăng nhận xét