Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014



Một trong những nét độc đáo nhất khi nói về miền đất võ Bình Định đó là có nhiều làng võ tồn tại lâu đời. Tuy nhiên, hiện nay hai trong ba làng võ nổi danh nhất là An Vinh, An Thái đang trên đường trở thành… hoài niệm.
 

Cố gắng níu giữ

Trước đây, ở làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) có nhiều võ đường nổi tiếng thu hút đông người học. Cùng với sự đi xuống trong phong trào luyện tập võ cổ truyền, nhiều võ đường ở đây cũng đã ngừng dạy. Hiện tại, chỉ còn võ đường Bình Sơn (thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc) là cố gắng gìn giữ việc truyền dạy võ được tiếp nối qua nhiều thế hệ của dòng họ Lâm.

Cách đây khoảng 6 năm, trong lần gặp mặt đầu tiên với võ sư Lâm Ngọc Phú tại võ đường Bình Sơn, chúng tôi được ông chia sẻ nỗi niềm về việc giới trẻ trong vùng không còn mặn mà học võ… Trở lại võ đường Bình Sơn một ngày đầu tháng 4, chúng tôi thắp nhang tưởng nhớ võ sư Lâm Ngọc Phú. Ông khuất núi khi còn nhiều hoài vọng, tâm huyết với võ cổ truyền chưa thực hiện được. Bà Lê Thị Nhạn, người bạn đời của võ sư Lâm Ngọc Phú, cho biết: “Sau khi ông nhà mất, con gái tôi là Lâm Thị Hồng Hạnh đã đi thi lấy bằng huấn luyện viên cấp tỉnh để tiếp tục kế nghiệp cha đứng lớp dạy học trò tại khoảnh sân nhỏ sau vườn nhà, nhưng cũng chỉ có ít người học. Tại nhà con trai tôi là Lâm Ngọc Ánh ở gần đây có nhiều học trò hơn”.


   

Hai cha con võ sư Trần Dần đang cố gắng gìn giữ phong trào luyện tập võ cổ truyền tại An Vinh.


Chúng tôi tìm gặp võ sư Lâm Ngọc Ánh (59 tuổi) đang ngồi sửa bình ắc quy trong nhà, đây là công việc mưu sinh chính của ông. Nghe hỏi về việc gìn giữ truyền thống làng võ An Thái, ông buồn bã tâm sự: “Chủ yếu dịp hè mới có nhiều học sinh đến học võ để tự vệ là chính. Tôi và em gái đều dạy võ miễn phí, bỏ thêm tiền túi ra mua sắm dụng cụ cho các em luyện tập để động viên gắn bó gìn giữ võ cổ truyền”.

Làng võ An Vinh cũng đang trong tình trạng không còn nhiều điểm dạy, người học võ cổ truyền. Kiên trì nhất trong việc gìn giữ truyền thống ở làng võ An Vinh là võ đường của võ sư Trần Dần (thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) đã được Bộ VH-TT&DL tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp võ thuật cổ truyền. Võ sư Trần Dần (76 tuổi) tâm sự: “Tôi tuổi cao sức yếu, cũng nhờ có con trai út Trần Văn Trong chịu theo nghiệp cha để hỗ trợ truyền dạy cho học trò. Lượng người học ngày càng ít lại không theo đuổi lâu dài, nên khó tìm được người đáp ứng yêu cầu để truyền dạy nhiều bài quyền An Vinh có giá trị độc đáo riêng mà tôi đang gìn giữ”.

Cần sự tiếp sức

Trước đây, các võ sĩ ở An Vinh, An Thái luôn phát huy tốt truyền thống khi thi đấu đối kháng và đoạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, việc chỉ còn vài võ đường với ít người học đã khiến phần lớn các võ đường ở An Vinh, An Thái dần “chìm khuất” trong sự phát triển của phong trào luyện tập võ cổ truyền ở các địa phương trong tỉnh hiện nay.

Võ sư Lâm Ngọc Ánh cho biết: “Để góp phần đưa võ cổ truyền tiếp cận nhiều người học hơn, Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn nhiều lần có giấy giới thiệu, đề nghị Trường THCS Nhơn Phúc tạo điều kiện cho tôi vào truyền dạy võ cho học sinh nhưng đều không được...Tôi cũng có khá nhiều học trò tận Nghệ An, Thanh Hóa vào, đam mê luyện tập và thể hiện năng khiếu rất tốt. Tiếc là hoàn cảnh kinh tế của các em khó khăn nên không thể ở lại tập luyện nhiều năm, tôi muốn giữ học trò cũng không có điều kiện”.

Khó khăn trong việc giữ học trò gắn bó lâu dài để nâng cao trình độ, tiếp bước trong việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền cũng là điều mà võ sư Trần Dần trăn trở. “Khôi phục phong trào luyện tập võ cổ truyền ở An Vinh vừa dễ lại vừa khó. Dễ là tại địa phương vẫn còn một số người dạy võ tâm huyết để truyền dạy. Khó là làm sao giữ chân được các em, bởi nhiều gia đình hiện nay cũng không muốn con em gắn bó lâu dài với nghiệp võ vì đầu ra còn bấp bênh”, võ sư Trần Dần phân tích.

Khôi phục phong trào luyện tập võ cổ truyền ở An Vinh, An Thái là việc làm cấp thiết không chỉ mang ý nghĩa về mặt thể thao, mà còn là bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của miền đất võ Bình Định. Điều này không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một số ít võ đường hiện nay, mà đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Trên cơ sở khảo sát, tìm hiểu sự đi xuống của phong trào luyện tập võ cổ truyền ở xã Tây Vinh, chúng tôi đang bàn bạc để lập đề án trình lãnh đạo huyện đề nghị có sự quan tâm đầu tư khôi phục lại phong trào tại địa phương”.

HOÀI THU



Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=12&macmp=13&mabb=20255

0 nhận xét:

Đăng nhận xét