Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014



     “Giàu nghèo một lẽ cá chua / Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi mình”. Gọi cá chua không phải vì thịt của chúng có vị chua hay chúng sống trong môi trường nước chua. Đến nay vẫn chưa có ai biết được nguồn gốc và tên thật của giống cá này. Theo nhiều ngư dân, tên "chua" là biểu thị của sự gian khổ (chua cay, chua chát…) trong việc đánh bắt cá bột và nuôi cá trong ao, hồ. Đó là những công việc rất vất vả cộng với tâm trạng nơm nớp lo âu từng ngày, không biết "trắng tay" lúc nào. Cá chua là giống cá được sinh ra trong bọt biển thì cũng dễ tan như bọt biển. Nó sinh trưởng tự nhiên trong môi trường nước lợ. Vùng cửa biển Đề Gi (Cát Khánh - Phù Cát) có điều lạ là nước biển có độ mặn thấp hơn so với các nơi khác trong khu vực, thậm chí dù chỉ cách nhau vài cây số. Vào mùa hè, nước trong đầm Đạm Thủy (đầm Đề Gi) cạn dần, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. Trong những đám bọt biển nổi lềnh bềnh sát cửa biển có hàng triệu con cá nhỏ li ti bằng đầu chiếc kim khâu, trong suốt, chỉ phân biệt được nhờ hai chấm nhỏ đen đen của hai con mắt trên đầu. Chúng nổi trên mặt nước ẩn dưới lớp bọt. Đó là những chú cá chua bột. Người đánh bắt cá chua bột ngâm mình trong nước mặn, dưới cái nắng hè như đổ lửa, cho đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. Cá bột được nuôi trong ao, hồ nhỏ chừng hai tuần tuổi cho cứng cáp rồi mới thả ra ao nuôi chính. Nuôi cá chua cũng là nghề gian nan, phải theo dõi, chăm sóc hàng ngày. Khi gần ngày thu hoạch, người nuôi nơm nớp lo không biết trời mưa lúc nào, mưa lớn hay nhỏ, mưa vào ban ngày hay ban đêm, nếu để sơ sẩy thì bao công lao sẽ trở thành công cốc.

      Cá chua có quanh năm, nhưng chất lượng cá ngon nhất và độ mùa xuân - hạ, và độ tuổi chừng 4 - 5 tháng. Thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ càng cảm nhận nhiều vị ngọt của miếng cá. Cá còn nhỏ thì chất thịt chưa thật đậm đà, nhưng da cá và phần đầu lại rất quyến rũ. Cá già có phần da hơi cứng, nhưng thịt thì săn chắc, ngon hết chỗ chê. Cá chua được chế biến thành nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi. Nếu được một lần thưởng thức, hầu như ai cũng phải xuýt xoa khen ngon, có thể ăn mãi mà không chán miệng bao giờ. Có lẽ, thực khách chỉ ngừng ăn khi phải gỡ xương dăm, những sợi xương mềm như sợi cước. Phải chăng, đó là “điểm yếu” của con cá chua ngọt ngào? Trong tiết hè oi ả, bên bãi biển mát rượi, quây quần bên nhau vừa ăn các món cá chua vừa trò chuyện, thỉnh thoảng nhấp vài ly Bầu Đá thì còn gì tuyệt bằng!




      Bún riêu cua Quy Nhơn mang hương vị phù sa của dòng sông Kôn, của những cánh đồng lúa bạt ngàn, gợi nhớ tuổi thơ, nhớ cái phong vị dân dã, mộc mạc quê nhà vào mùa lúa chín… Để có món riêu ngon, người đầu bếp phải dụng công rất nhiều. Đầu tiên, cua được cho vào cối đá giã nhuyễn. Quết xong người ta đưa lên rổ lược, ta có loại nước cua sền sệt, vàng vàng, trên mặt nổi những váng mỡ loang loáng. Chừng ấy cũng đủ hấp dẫn. Nước cua được trộn với trứng gà đánh nhuyễn thêm một ít bột ngọt, đường, muối, tiêu, ớt. Đun một nồi nước sôi già đổ hỗn hợp này vào ta có nồi nước riêu thơm. Chừng dăm phút nước riêu đã kết đặc lại thành từng mảng màu nâu vàng chỉ cần một đôi đũa, xắn nhẹ là riêu vỡ ra theo ý bạn. Lạ và ngon hơn khi có thêm rong câu. Thưởng thức một lần món riêu cua ngon, đậm đà, với những mảng riêu kết đặc màu nâu, vàng thơm đặc biệt, chắc chắn dư hương sẽ còn đọng mãi. Ăn bún riêu cua nhất thiết phải kèm rau ghém, gồm đủ các loại: bắp chuối thái rối, tía tô, rau răm, giá đậu, xà lách xanh non, rau thơm… Vào những ngày mưa, ngoài trời mưa sụt sùi, ngồi bên nồi bún riêu bốc khói tỏa hương là thấy ấm áp tình quê rồi.




Bánh hỏi lòng heo Bình Định. Một món ngon cho buổi sáng.