Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

   Cho đến nay, thông qua các đợt khai quật khảo cổ học người ta đã xác định được cách đây trên 2000 năm trên vùng đất Bình Định ngày nay đã có cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống. Từ đầu Công nguyên (năm 192) trên dải đất miền Trung Việt Nam đã hình thành một nhà nước cổ đại, đó là Nhà nước Chăm-pa. Nhà nước Chăm-pa được xây dựng trên một nền tảng văn hóa hết sức rực rỡ, nó kế thừa những thành tựu của nền văn hóa Sa Huỳnh trước đó, đồng thời tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều yếu tố của các nền văn hóa khác trong khu vực. Nhà nước Chăm-pa với sự khởi nguồn từ năm 192 đã kết thúc vai trò lịch sử riêng của mình vào nửa cuối thế kỷ XVII, chấm dứt sự tồn tại đầy oanh liệt của mình trong suốt 16 thế kỷ.

Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam với gần 5 thế kỷ giữ vai trò trung tâm của nhà nước Chăm-pa, mặc dù có nhiều bước thăng trầm, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng văn hóa Chăm-pa ở đây vẫn phát triển cho đến khi nhà nước Chăm-pa mất vai trò lịch sử. Dấu tích văn hóa của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng và trở thành đối tượng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về Bình Định.

Tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Năm 1490 (chưa đầy 20 năm sau), theo Thiên nam dư hạ tập cho biết: dưới thời Hồng Đức, Phủ Hoài Nhơn có 19 tổng và 100 xã.
              


Năm 1570, Nguyễn Hoàng, người được vua Lê cử trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam lúc bấy giờ có cả phủ Hoài Nhơn.

Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.

Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ được dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay thuộc xã Nhơn Thành, An Nhơn).

Từ thời các chúa Nguyễn, ở đàng Trong nói chung, Bình Định nói riêng đã có sự phân hóa giàu nghèo, địa vị khác nhau và các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt vào đầu thế kỷ XVII, vấn đề trên càng trở nên mâu thuẫn sâu sắc. Cho đến trước cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn 1771, ở Bình Định đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía: cướp của nhà giàu, chia cho dân nghèo, trừng phạt quan lại hống hách bức hiếp dân. Nhưng tồn tại chẳng được bao lâu, cuộc khởi nghĩa của Lía bị thất bại.

Năm 1773, cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu đã phát triển xuống Tây Sơn hạ đạo, chiếm lĩnh đất Kiên Thành (nay là Kiên Mỹ) nơi đã từng sinh ra các thủ lĩnh Tây Sơn, Nguyễn Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Cùng trong năm đó (1773), nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.

Tháng 3 năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, các tướng lĩnh khác đều được phong chức cho tương xứng với một chính quyền Trung ương mới được thành lập. Năm 1793, sau khi vua Quang Trung chết, Nguyễn Ánh đem quân đánh thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc bị bệnh sai con là Nguyễn Bảo chỉ huy kháng cự, quân của Nguyễn Bảo bị thua, bỏ chạy. Vua Quang Toản sai thái úy Phạm Công Hưng, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở cùng tướng thủy quân là Đặng Văn Chân từ Phú Xuân vào cứu viện, đánh quân Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh thua chạy. Quân Quang Toản vào thành, Nguyễn Nhạc mang vàng bạc ra khao quân. Phạm Công Hưng và các tướng lĩnh ra lệnh tịch thu châu báu và binh giáp các kho rồi chiếm thành. Nguyễn Nhạc phẫn uất hộc máu chết.

Từ năm 1793 – 1799, thành Hoàng Đế đổi thành phủ Quy Nhơn dưới vương triều Cảnh Thịnh, cũng là bước đường suy yếu của Tây Sơn.
                     

Từ năm 1799 – 1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.

Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.

Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập.

Năm 1907, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâycu Đe. Một nửa đất đai của tỉnh này cho sát nhập trở lại vào tỉnh Bình Định.

Năm 1913, thực dân Pháp lại sát nhập Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú.

Năm 1921, thực dân Pháp tách tỉnh Phú Yên ra, lập lại tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945.
                             

    Cùng với cuộc cách mạng tháng Tám long trời, lở đất, ngày 3/9/1945, sau khi khởi nghĩa dành chính quyền thắng lợi UBND cách mạng lâm thời mới của tỉnh lấy tên tỉnh Bình Định là tỉnh Tăng Bạt Hổ. Tuy nhiên tỉnh Tăng Bạt Hổ thay cho tỉnh Bình Định chưa được Trung ương công nhận, trên các văn bản chính thống của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn không thay đổi tỉnh Bình Định, do đó tỉnh Tăng Bạt Hổ tồn tại không được bao lâu.

    Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) Bình Định là tỉnh tự do hoàn toàn, là hậu phương chiến lược trực tiếp của chiến trường khu V, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Chín năm kháng chiến gian khổ và anh dũng đó, nhân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp công, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp Định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

    Tuy nhiên theo tinh thần Hiệp định này, đất nước ta còn tạm thời chia cắt làm 2 miềm: miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có tỉnh Bình Định còn phải chịu dưới ách thống trị của bọn tay sai đế quốc, chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

    Trong khi Hiệp Định Giơnevơ (1954) về Đông Dương ký chưa ráo mực, Đế Quốc Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

    Chính quyền Ngô Đình Diệm chia miền Nam Việt Nam thành hai miền: từ Bình Thuận trở vào gọi là Nam phần; từ Bình Thuận trở ra vĩ tuyến 17 gọi là Trung phần. Trung phần lại chia thành hai khu vực, gọi là Trung nguyên Trung phần và Cao nguyên Trung phần. Tỉnh Bình Định thuộc Trung nguyên Trung phần và vẫn giữ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh như trước đây cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975).

    Trong suốt 20 năm (1954 – 1975), thực hiện lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, quân và dân tỉnh Bình Định đã vượt qua vô vàn hi sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, bám đất, bám dân góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương yêu dấu của mình vào ngày 31/3/1975.
                   

   Từ cuối năm 1975 đến năm 1989, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Trong 15 năm hợp nhất nhân dân Bình Định cùng với nhân dân Quảng Ngãi ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

    Từ năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân Bình Định đã ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, có nhiều đổi mới về nếp nghĩ trong phát triển kinh tế, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trong đời sống của mỗi người dân. Một cuộc sống mới tốt đẹp ở tương lai: ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh đã và đang được nhân dân Bình Định cùng với cả nước phấn đấu xây dựng


Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014


Đất Bình Định có nhiều tháp, cụm tháp Chàm nằm rải rác ở 8 địa điểm thuộc các huyện phía nam tỉnh, như cụm tháp Dương Long (3 tháp) ở huyện Tây Sơn; tháp Bánh Ít (4 tháp) ở Phước Lộc, Tuy Phước; tháp Cánh Tiên ở Nhơn Hậu, An Nhơn và một số tháp ở Phù Cát. Riêng Quy Nhơn có tháp Đôi (2 tháp) ở gần đường Trần Hưng Đạo, cửa ngõ vào thành phố.

     





Tháp Đôi

Tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố chừng 3 km về phía tây bắc. Gần tháp Đôi là cầu Đôi trên quốc lộ 19, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại. Chẳng hiểu sao người xưa lại cứ "ghép đôi":

                                             Cầu Đôi liền với Tháp Đôi

                                     Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng


Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Các tháp có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.

Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá khá nặng nề.

Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, tháp Đôi đã được Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo. Từ 1991-1997, các cán bộ khoa học và những người thợ khéo ở Quy Nhơn đã miệt mài đục đẽo, tạo tạc với kỹ thuật mài gạch, lắp ghép khá thành công, trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp.

Tháp Đôi Quy Nhơn không chỉ là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Chăm tiếp tục công việc mà còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định.

. Nguyễn Văn Chương

Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2004/10/15605/

Bình Định có truyền thống hát bội từ lâu đời và phát triển thành phong trào mạnh mẽ với nhiều tên tuổi đào, kép lừng danh cả nước. Từ xưa, khi các làng xã ở Bình Định có lễ đình, chùa vào dịp cúng kính Xuân kỳ, Thu tế đều tổ chức hát bội. Thậm chí với những gia đình khá giả khi sinh con, gặp dịp may phát tài hoặc giỗ kỵ trong nhà cũng tổ chức hát bội để tăng phần long trọng. Có những khi đám hát kéo dài suốt cả tháng liền. Chính vì vậy ở Bình Định có rất nhiều làng hát bội, nhiều gánh hát bội ra đời.


                                                            Biểu diễn hát bội ở Phước An. 

Từ thời Đào Tấn đến trước năm 1975 ở Bình Định đã có nhiều gánh hát bội do học trò và những học trò của học trò Đào Tấn làm bầu. Đến khoảng thời gian từ 1975 đến 1986 ở Bình Định có hơn 60 gánh hát bội không chuyên, chủ yếu tập trung ở các làng xã thuộc huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát... Tất cả các làng hát bội ấy đều có kép hay, đào đẹp khiến người xem mỗi khi “Tai nghe trống chiến, không khiến cũng đi; nghe dục trống chầu, đâm đầu mà chạy".

Ở huyện Tuy Phước vào đầu thế kỷ XX, quê hương của vị hậu Tổ hát bội Đào Tấn, các gánh hát chủ yếu tập trung ở các xã Phước An, Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước Hoà. Tiêu biểu là các gánh hát ở xã Phước An với truyền thống lâu đời, nổi bật nhiều nghệ sĩ lừng danh như Chánh ca Đựng, Chánh ca Ghềnh, Phó ca Thơm, Nhưng Sung, Thập Ân... Cả gia đình Chánh ca Đựng đều nối nghiệp hát bội và nổi tiếng với những vai diễn để đời. Cha con, anh em lập gánh hát riêng, bà con dân làng thuộc tên cứ gọi gánh bầu Thơm, gánh bầu Tho. Các gánh hát nổi tiếng ở Phước An và trong tỉnh là gánh của Chánh ca Ghềnh (tức Võ Ngũ) thuộc thôn An Sơn xã Phước An, sau này truyền lại cho Năm Cập. Đây là gánh hát có tiếng vang xa, mỗi khi gánh hát lên đèn thì khán giả đi xem rất đông.

Những năm 1920 đến 1930 ở thôn An Hòa nổi tiếng gánh hát của Chánh ca Đựng. Sau này truyền lại cho bầu Thơm (Võ Bản). Em trai bầu Thơm là Võ Sâm cũng lập gánh hát, từ An Hòa đi lưu diễn khắp nơi. Tiếp sau thời kỳ này là các gánh hát của bầu Xuân, rồi Ngọc Cầm, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Cẩm. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội. Thân sinh của bà là cửu phẩm Võ Đựng thuộc làng Dương An (nay là An Hòa 1) xã Phước An được triều đình nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu Chánh ca. Võ Nhì (Ghềnh) là chú ruột của bà cũng được phong tặng danh hiệu Chánh ca. Bầu Thơm là anh thứ hai, bầu Sau là anh thứ ba của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm. Hai người anh của bà đã kế tục sự nghiệp của cha mình, gìn giữ và phát triển các gánh hát ở địa phương, rồi đến lượt bà cũng như các thế hệ cha anh, Ngọc Cầm đã theo gánh hát ở Phước An biểu diễn rất nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc và một số địa phương Nam bộ lúc bấy giờ. Năm 1971 Ngọc Cầm cùng đoàn hát đi Sài Gòn dự thi do Đoàn Khổng học tỉnh tuyển chọn với hai vở diễn là: Ngũ hổ bình tây và Hộ sanh đàn.

Năm 1972, Ngọc Cầm cùng nghệ sĩ Long Trọng tham gia thành lập gánh hát “Ý hiệp miền Trung” tại Quảng Nam. Đến năm 1975 lên Gia Lai thành lập Đoàn hát bội Bình Nguyên. Năm 1980 về Quy Nhơn tham gia thành lập Đoàn tuồng 3 thuộc Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn). Hiện nay Nghệ sĩ ưu tú Võ Thị Ngọc Cầm đang ở cùng con gái của mình tại thành phố Playku nhưng Bà vẫn gắn bó nghề nghiệp với Nhà hát tuồng Đào Tấn và giúp đỡ bầu Hoàng Minh (cháu Bà) về nghiệp tổ. Lúc này ở thôn Đại Hội xã Phước An cũng có gánh Bầu Sa (Nguyễn Bá) tập trung được một số đào, kép giỏi nên cũng gây được tiếng vang tại địa phương. Có thể nói hoạt động của các gánh hát ở xã Phước An diễn ra vô cùng sôi nổi, chiếm được cảm tình tốt đẹp của mọi tầng lớp khán giả.

Luôn gìn giữ nghệ thuật sân khấu truyền thống, Phước An là địa phương có nhiều gánh hát bội không chuyên qua nhiều thế hệ so với các xã trong huyện Tuy Phước. Cả Phước An với sáu thôn thì có thời điểm năm thôn đều thành lập gánh hát. Ở thôn An Sơn có gánh hát do Nguyễn Bì (Dư) làm bầu. Thôn Đại Hội có gánh hát bội do Nguyễn Tòng (Tám Tòng) con trai bầu Sa phụ trách.Và thôn An Hòa vẫn là nơi có gánh hát mạnh nhất xã với một thế hệ diễn viên trẻ như Mười Hàn, Kim Chung, Ngọc Hương, Hoàng Minh, Linh Nghiệp đầy tài năng, sung sức trên con đường nghệ thuật. UBND xã Phước An đã quyết định thành lập Đoàn hát bội mà nòng cốt là các diễn viên thôn An Hòa. Cho tới nay, Đoàn hát bội Phước An vẫn đi lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Nhiều diễn viên của Đoàn hát bội Phước An đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen tại các kỳ hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc. Năm 1992 ông Tô Đình Cơ lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đội tuyển các nghệ sĩ hát bội không chuyên gồm sáu người của Bình Định ra biểu diễn phục vụ Quốc hội tại thủ đô Hà Nội thì Đoàn hát bội Phước An có hai diễn viên là Kim Chung và Ngọc Hương vinh dự được góp mặt. Có thể nói các gánh hát bội ở Phước An từ xưa nay đều có nhiều đào hay, kép giỏi, đi biểu diễn ở đâu cũng được khán giả yêu mến về phong cách và ngợi khen về nghệ thuật. Đó là một nét son, niềm tự hào về văn hóa cổ truyền dân tộc của Phước An nói riêng và Bình Định nói chung.


                   

                                          Cảnh trong vở diễn của Đoàn hát bội Phước An.


Diễn trình lịch sử - văn hóa đã hình thành những làng hát bội cổ truyền hầu như không tách hẳn ranh giới với các lò võ thuật cổ truyền và nền nông nghiệp. Suy cho cùng, sinh mệnh của các làng hát bội khởi thủy chỉ nhằm vào việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phản ảnh, giáo dục lối sống, nếp sống của chính người nông dân trong các làng xã nông nghiệp. Cho nên khi đặc trưng ấy có sự thay đổi cũng chính là những thử thách đối với sự nghiệp hát bội không chuyên trong việc gìn giữ, đổi mới và phát triển. Khi luỹ tre làng không còn là rào chắn của mọi hoạt động kinh tế - xã hội; mọi điều diễn ra một cách công bằng trước thực tế cạnh tranh và giao lưu, hội nhập thì các làng hát bội cổ truyền cũng phải tự mình gìn giữ, phát huy và đổi mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, phải tự khẳng định mình trước nhiều bộ phận khán giả.

Trong xã hội hiện đại, các loại hình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu ca nhạc, kịch nói, truyền hình, internet… ngày càng tỏ ra nhiều ưu điểm thuyết phục và cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đối với nghệ thuật sân khấu hát bội nói chung, làng hát bội cổ truyền ở Phước An nói riêng. Tất nhiên cũng có những gánh hát, những làng hát bội do đặc điểm lịch sử, cũng như trước sự phát triển không ngừng về mọi mặt như báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, sân khấu ca nhạc hiện đại… đã không còn lý do tồn tại trong một cộng đồng nào đó, tức là không tự mình vươn lên, tìm kiếm trong sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng đã được bồi đắp bao đời để đem lại nét mới lạ, hấp dẫn trước biển người khán giả coi hát bội đã có từ xưa nay.

Nghệ thuật hát bội có thể phát huy được khả năng cạnh tranh, xứng đáng được khuyến khích bảo trợ trong nền kinh tế hiện đại. Bởi, trong một cách hiểu nào đó, nó không mang nét lạnh lùng, đơn điệu, khô cứng hay hào nhoáng trong phút chốc của những món nghề biểu diễn mà đòi hỏi người xem phải có tư duy hưởng thụ một sắc thái văn hóa, hiểu một pho chuyện được đoàn hát biểu diễn mới thấm thía ý nghĩa mà diễn viên thể hiện trên sân khấu. Ngược lại, có một số loại hình biểu diễn dễ xâm nhập người xem hơn, tiết tấu nghệ thuật đòi hỏi tinh xảo, phong phú nhưng không hàm chứa sắc thái văn hóa dân tộc bản địa và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Hiện nay làng hát bội cổ truyền ở Phước An đã có những bước phát triển mới, đã dàn dựng, biểu diễn một số vở tuồng tiểu thuyết, tuồng truyện bên cạnh các vở tuồng đồ, tuồng thầy, tuồng pho, làm phong phú loại hình biểu diễn trong các tầng lớp khán giả. Do vậy, khán giả đến với nghệ thuật sân khấu hát bội không chỉ để tìm những hồi ức quá khứ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân được hun đúc bao đời nay, những giá trị “đỉnh cao” của nghệ thuật cổ truyền. Nói như vậy chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những thành tựu các loại hình biểu diễn hiện đại được sáng tạo ra hàng loạt, hoặc thiếu tính khẳng định về sự cần thiết của nó như là vết son của những phát kiến đầy trí tuệ của con người trong đời sống xã hội.

Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống của “cái đại dương khán giả” từ xưa nay mà biểu thị bản sắc văn hóa người Bình Định; là một trong những làng cổ truyền tạo dấu ấn cho du khách về làng xã nông thôn Bình Định gắn liền với quá trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu hát bội ở Bình Định. Đồng thời chúng ta cũng không thể chấp nhận với một đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống hát bội ngày càng mai một những món nghề độc đáo mà thay vào đó những cách tân, cải biên mang nặng tính thị hiếu bình dân tức thời và thiển cận.

Làng hát bội cổ truyền ở Phước An không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật sân khấu truyền thống mà một vài năm trở lại đây có sự gợi mở, tác động đến phát triển kinh tế, nhưng các tuyến du lịch tham quan của du khách đến Bình Định đối với văn hóa nghệ thuật vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Không có gì lạ khi chúng ta thấy ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển cao của thế giới, các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làng nghề sân khấu truyền thống và những đoàn hát nghệ thuật sân khấu không chuyên có mối quan hệ hữu cơ và có chỗ đứng quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của họ. Đối với kho tàng di sản văn hóa Bình Định, để có được một làng hát bội cổ truyền và những gánh hát bội không chuyên như ở xã Phước An chúng ta đã trải qua 200 năm, cả một diễn trình lịch sử hình thành và phát triển làng xã.

NGUYỄN VĂN NGỌC (Tạp chí KH&CN)



Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&macmp=26&mabb=28697


“Rủ nhau đi đánh bài chòi - Để con nó khóc cho lòi rốn ra”, câu ca xưa phần nào cho thấy sức lôi cuốn của diễn xướng bài chòi với người dân lao động. Bao đời nay, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho nghệ thuật bài chòi. Và hội đánh bài chòi cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của công chúng. Tuy nhiên, bộ bài chòi vốn vẫn được sử dụng trong hội đánh bài chòi ở Bình Định có nguồn gốc từ đâu?


     

                                         Quang cảnh hội bài chòi. Ảnh tư liệu SVH,TT&DL


Bài chòi, bài tới

Hiện nay, một số nhà nghiên cứu đưa ra luận cứ rằng Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bình Định. Đào Duy Từ đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh miền núi mà sáng tạo ra hội bài chòi. Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ông ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi. Về sau, hội bài chòi thường được tổ chức trong những dịp xuân nên được gọi là hội đánh bài chòi xuân.

Thực tế cho thấy, dù bài tới phổ biến khắp Trung - Nam bộ, nhưng bài chòi chỉ phổ biến ở Trung bộ. Có lẽ vì lý do này mà một số nhà nghiên cứu cho rằng bài chòi ra đời muộn mằn hơn hát bội, hát sắc bùa?

Bài tới, theo định nghĩa của tác giả Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quốc âm tự vị (1896, tập II, trang 455), là “Thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là tới, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”. Chúng ta không có cứ liệu nào để xác định thời điểm ra đời của bài tới, nhưng trò chơi này trong bối cảnh phong hóa cộng đồng dễ phát triển và lan tỏa theo quy luật trình mở cõi về phương Nam. Có lẽ đó cũng là lý do mà bài tới phổ biến đến tận Nam bộ.

             

                                                 Thẻ cái. Ảnh tư liệu SVH,TT&DL

Từ đánh cờ tướng với hai người chơi đã tích hợp nhiều yếu tố người trình diễn biến thành trò chơi cờ người diễn ra ở sân đình, chùa, những nơi sinh hoạt văn hóa lễ hội nói chung. Đây là một ví dụ. Từ bài tổ tam (người Quảng Nam gọi là tổ tôm), bài tam cúc biến thành tổ tam điếm (chòi) là những ví dụ khác. Ở đây bài tới đã tích hợp với ca nhạc, với chòi/ điếm với rạp/ sân khấu (ngày nay) để trở thành hội đánh bài chòi hấp dẫn. Bài chòi phát triển mạnh đến mức lấn át danh tiếng và cách chơi khác nhiều so với bài tới, nhưng về bộ bài để chơi bài chòi lại cũng là bộ bài để chơi bài tới, không thay đổi gì cho mấy.

Bài chòi, bài tổ tam

Bộ bài chòi có 30 con, chia làm ba pho, gọi là pho Văn, pho Vạn, pho Sách; mỗi pho có 9 con bài (quân bài) và một con bài Yêu (ba con bài Yêu: Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Huê). Tên gọi con bài tùy từng địa phương có cách gọi di bản khác nhau. Con bài làm bằng giấy bời, hình chữ nhật (2x 8,5cm), in một mặt đồ án biểu trưng cho con bài và lưng phét màu đỏ sẫm.

Do sự giống nhau của bộ bài chòi, bài tới và bài tổ tam ở chỗ cả ba loại bài đều chia thành ba pho và ba con bài Yêu nên không ít nhà nghiên cứu đã khẳng định mối quan hệ nguồn gốc của bài chòi, bài tới và bài tổ tam có quan hệ với nhau.

Thực ra, xét đồ án hình họa của các con bài tương ứng bài chòi và tổ tam, chúng ta thấy nhiều khác biệt: Bài tổ tam vẽ đa số là hình người Nhật (đầu, mình, tứ chi, dụng cụ cầm tay, vác vai và thêm vào đó là hình tháp (con Ngũ vạn), cá (con Bát vạn), trái đào (con Nhị vạn), thuyền buồm (con Ngũ sách). Còn ở bộ bài chòi thì đồ án trang trí mang tính trừu tượng và hình người trừu tượng, chủ yếu là bán thân hay mặt người. Bài tổ tam mang dấu vết bộ bài chòi là các biểu tượng và chữ Hán - Nôm xác định số thứ tự của con bài.

                 

                                        Ban nhạc trong hội bài chòi. Ảnh tư liệu SVH,TT&DL

Chữ Hán - Nôm: Từ chữ nhất đến chữ cửu trên 9 con bài của pho Vạn; và các chữ ghi tên 3 con bài Yêu: Ông Ầm, Thái Tử và Bạch Huê (Bạch Tuyết).

Về biểu trưng, có hai loại: Hình tròn nhỏ có chấm ở giữa (tạm gọi là nút), hiểu là nút chỉ số điểm của mặt xúc xắc, cũng có thể hiểu là đồng tiến điếu và hình tượng đồng tiền nguyên/ tròn giữa vuông hoặc một nửa đồng tiền/ bán nguyệt.

Biểu tượng thể hiện “phức nghĩa”, đặc biệt là các đồ hình trên 9 con bài của pho Sách là đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và theo đó có những biện giải khác nhau. Chẳng hạn như con bài Nhứt Nọc (có địa phương gọi Nọc Thược, Nọc Đượng) được gán cho hình vẽ biểu tượng dương vật và cho rằng nó có nguồn gốc từ Linga của văn hóa Chăm. Theo đó, con Bạch Huê lại được coi là âm vật (Yoni) của văn hóa Chăm. Thế là từ cặp Linga - Yoni, một số nhà nghiên cứu cho rằng bài chòi có gốc gác chi đó với văn hóa Chăm. Thậm chí từ đồ hình quân bài Ba Gà, có người liên tưởng đến hình khắc trên trống đồng Đông Sơn. Các biện giải quá mức này chủ yếu dựa vào sự diễn dịch chủ quan. Thực ra, cách gọi tên con bài bài Chòi, bài Tới là của dân gian, “coi mặt, đặt tên”, tức dựa trên hình tướng đặc trưng nào đó của hình họa mà gọi tên. Và như vậy, trong cái nhìn trực quan là có thể đạt được sự thích đáng cần thiết để có thể phân biệt các con bài.

Khi xưa, chữ Quốc ngữ chưa có, chữ Hán - Nôm cũng không phổ cập rộng rãi trong dân gian, đặc biệt đối với người bình dân thì không phải ai cũng đọc được mặt chữ Hán - Nôm in trên con bài, thì các biểu tượng “nút” và “đồng tiền điếu” có chức năng chỉ số (nhất đến cửu) cho các con bài pho Văn và pho Sách. Đó là các ký hiệu để phân biệt các con bài của bộ bài chòi. Còn đồ hình ở pho Sách được các nhà nghiên cứu biện giải đa tạp, thật ra là hình vẽ các chồng, xâu tiền điếu cộng với dãi uốn cong như hình con rắn, để chỉ rõ chúng thuộc pho Sách. Sách, chữ Hán có nghĩa là dây (ví dụ Quyến Sách nghĩa là dây lụa). Nếu gọi là có mối quan hệ giữa bài chòi với bài tổ tam là hình vẽ dây lằng ngoằn, là một trong các bằng chứng tương đối rõ ràng nhất. Một bằng chứng khác, là con bài Bạch Huê (Bạch Tuyết) của bài chòi, bài tới tương ứng với con bài thang thang của bài tổ tam.

Nói chung, tuy có một số điểm tương đồng giữa bộ bài chòi, bài tới, bài tổ tam, xong xét một cách tường tận hơn thì có nhiều điểm bất cập. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu thật dài hơi, đối chiếu với các loại bài giấy (chỉ bài) khác, đặc biệt là các loại bài gốc từ Diệp tử mã điếu của Trung Quốc.

                       

     Người hô hiệu phải là người có kiến thức văn chương, biết ứng đối... Ảnh tư liệu SVH,TT&DL

Bài chòi, bài diệp tử mã điếu, bài toàn đối

Hình thức cờ bạc phổ biến nhất ở Trung quốc thời cổ là gieo xúc xắc. Một số trò trực tiếp thắng thua dựa vào kết quả của việc gieo xúc xắc; còn có nhiều trò phải kết hợp gieo xúc xắc với đánh cờ, đánh bài mới có thể quyết định thắng bại. Ngoài xúc xắc, hình thức cờ bạc tương đối quan trọng khác là bài xương, ra đời vào niên hiệu Tuyên Hòa thời Bắc Tống. Bài xương hoặc bài ngà, trên thực tế là biến thái từ xúc xắc, trên mặt mỗi con bài là do hai mặt xúc xắc kết hợp lại thành các con bài có điểm (nút) lớn nhỏ khác nhau. Đó là cội nguồn của hình nút (hình tròn nhỏ có chấm ở giữa) trên một số con bài của bộ bài chòi, bài tới đã nói ở phần trên.

Ngoài bài xương, bài ngà ở Trung Quốc còn phổ biến loại bài giấy. Thời cổ gọi là Diệp tử (xuất hiện từ thời Đường), đến thời nhà Minh, nhà Thanh trò chơi bài lá này đặc biệt thịnh hành. Bài diệp tử có hai loại: Diệp tử in theo điểm số của bài xương in ra và diệp tử mã điếu thì dùng nhiều lớp giấy bồi in lên. Diệp tử có 40 lá, chia làm 4 môn (pho): Thập tự, Vạn tự, Sách tự, Văn tiền.

Bài diệp tử mã điếu lưu hành từ niên hiệu Vạn Lịch thời Minh, đến đời nhà Thanh biến đổi thành bài mặc hòa, chỉ còn lại ba pho: Pho Vạn, pho Sách và pho Văn. Ngoài loại bài mặc hòa, còn có một số loại biến thể khác như đấu hổ, chỉ trương.

Những dữ liệu về loại bài diệp tử mã điếu đã chỉ ra mối quan hệ loại bài này với bài chòi, bài tới, bài tổ tam, có số lá con bài, cơ cấu ba pho và đồ án hình họa tương đồng về phần “lý’; còn về phần “biểu” thì phải nói đến Đông Quan bài.

                       

                                             Diễn bài chòi lớp. Ảnh tư liệu SVH,TT&DL


Đông Quan bài (bài Đông Quan) còn gọi là bài toàn đối, vốn xuất xứ và phổ biến ở huyện Đông Quan (Quảng Đông - Trung Quốc). Bộ bài này gồm 120 lá, chia làm bốn bộ (mỗi bộ 30 con bài), mỗi bộ có ba pho: Văn, Vạn, Sách, mỗi pho có 9 con bài, và ba con bài lẻ (gọi là ba con bài đặc biệt, bài Yêu): Đại hồng, Tiểu hồng và Bát xuyến. Các con bài của ba pho đều mang số từ 1 đến 9. Hình học của pho Văn và pho Vạn cũng dùng hình quan tiền và nút làm biểu tượng chỉ số điểm. Riêng pho Vạn vẽ hình nhân vật, trên mỗi lá bài có ghi số điểm bằng chữ Hán (Nhất…, Cửu).

Một vài nhận định

Về mặt đồ án (hình họa), mối quan hệ của bộ bài chòi, bài Tới với loại bài diệp tử mã điếu và đặc biệt là bài Đông Quan (Trung Quốc) là rõ ràng hơn và trực tiếp hơn so với bài tổ tam. Theo đó, các biểu tượng của hình họa trên các lá bài của bài chòi, bài tới được hiểu tự sự đối sánh với các loại đồ án và chức năng khu biệt “danh - số” của diệp tử mã điếu và toàn đối.

Các con bài thuộc pho Vạn: Có chữ viết Hán tự, người bán thân và đồ án trang trí ở dưới cùng. Ở các con bài này, hình người bán thân hẳn bắt nguồn từ nhân vật Hý khúc hay nhân vật Thủy hử thuộc pho Vạn của diệp tử mã điếu và toàn đối. Đối với bộ bài chòi, bài tới trong chừng mực nào đó là mặt tuồng (hát bội) – loại hình “Hý khúc” chiếm vị trí thống trị một thời ở các tỉnh Trung bộ nói chung, Bình Định nói riêng, nơi bộ bài chòi, bài tới thịnh hành. Đặc trưng nhất là đôi mắt xếch, rất tuồng và đặc trưng khu biệt là khăn, mũ đội đầu như học trò (Nhứt trò), thầy (Cửu chùa) đội mũ Tì lư.

Bài diệp tử mã điếu có 4 pho, đến thời nhà Thanh biến đổi thành bài mặc hòa, đấu hổ, chỉ trương có 3 pho. Điều này cho phép đoán định niên đại ra đời của bộ bài chòi, bài tới ở nước ta sớm nhất trong thời nhà Thanh (Trung quốc), giữa cuối thế kỷ XVII trở về sau. Song vì lý do khách quan, bài chòi đòi hỏi tính tiêu khiển tập thể cao, mang tính cộng cảm cao và nhiều lý do khác nên ít thấy lưu lạc vào vùng đất Nam bộ theo chân các vị khai khẩn vùng đất mới.

                       

                           Một cảnh lại quả khi du khách trúng thưởng. Ảnh tư liệu SVH,TT&DL


Tại hội thảo “Phát triển sân khấu ca kịch bài chòi miền Trung” do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Nha Trang tháng 10.1991, có ý kiến cho rằng: Cái gốc của các làn điệu cổ, xuân nữ, xàng xê... đang sử dụng trong hát bội, cải lương đều bắt nguồn từ bài chòi mà ra. Hư thực thế nào, vấn đề đang còn tranh luận. Duy nhất một điều được mọi người đồng ý với nhau: Là các điệu thức trong hô bài chòi có nhiều nét tương đồng với hát bội và cải lương. Đây không phải là sự pha tạp để làm mất cái nguyên gốc ban đầu của chính nó, mà chỉ thêm vào để một bài hô hay hơn và cùng song hành trong đời sống làng xã nông thôn Bình Định nói riêng, vùng đất miền Trung nói chung.

Đánh bài mặc hòa, đấu hổ, bài xì, tứ sắc, roulette hay cờ tướng... nếu không vay mượn của phương Tây thì cũng vay mượn của Trung Hoa, ngược lại đánh bài chòi là hoàn toàn của người Bình Định, người Việt Nam, do người Việt Nam nghĩ ra, không chịu ảnh hưởng nước ngoài nhiều, song cũng phải thừa nhận đã tiếp thu có chọn lọc của loại hình bài diệp tử mã điếu và toàn đối. Tên gọi của những lá bài hầu hết đề tên Nôm, rất ít từ Hán -Việt. Những chữ Hán, chữ Nôm trên các lá bài trộn lẫn vào nhau hầu như không theo một định lệ, khuôn thước nào. Điều này đủ để giúp chúng ta hiểu thêm tinh thần độc lập của người Việt, đồng thời chứng minh rằng đánh bài chòi là một trong những kiểu thức đặc trưng của văn hóa dân gian Bình Định, cũng như miền Trung Việt Nam.

Tính đơn giản trong tên gọi, khiến cho trò chơi đánh bài chòi được phổ thông hơn. Nó không giới hạn trong tính cách của người chơi, không ẩn dụ sau cánh cửa của các nhà quyền quý, cao sang mà cho tất cả mọi người cùng tham gia. Như vậy “Tính chất phổ thông hóa, bình dân hóa của trò chơi đánh bài chòi dễ kết nạp thêm yếu tố, một lối ca hát có nguồn gốc sâu xa vào trong sinh hoạt dân gian của người dân Bình Định nói riêng và các tỉnh Nam Trung bộ Việt Nam.

NGUYỄN VĂN NGỌC



Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&macmp=26&mabb=28310

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014



     Hoài Ân, một vùng đất trung du, được thiên nhiên ban tặng phong cảnh cảnh hữu tình. Trong đó, Thác Đổ ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa là một cảnh đẹp mà ai một lần đến cũng lưu luyến.

             

                                   Dòng suối nước nhấp nhô đá với dòng nước trong lành.


    Muốn thăm Thác Đổ Nghĩa Điền, khi đến thị trấn Tăng Bạt Hổ du khách đi theo Tỉnh lộ 630 khoảng 25km là đến gần thác. Thác Đổ nằm ẩn mình giữa những ngọn núi cao và những cánh rừng bạt ngàn thuộc địa phận thôn Nghĩa Điền. Ngồi dưới bóng thác ta được nghe câu chuyện huyền thoại về cô gái Bana ra suối đợi chờ người yêu, mắt xa xăm nhìn về đầu nguồn con nước, lộ lưng trần để mái tóc óng mượt xõa dài, xõa dài điểm bạc rồi hóa đá mà hôm nay nhìn ngọn thác tưởng như mái tóc nàng bồng bềnh giữa đại ngàn.

    Trong nắng sớm những ngày đầu xuân, chúng tôi quyết tâm cuốc bộ từ thôn Nghĩa Điền vào thác, mất 30 phút, trên con đường đất gồ ghề sỏi đá dẫn vào thắng cảnh mà người dân địa phương bảo vẫn còn hoang sơ lắm.

   Từ đằng xa, đã cảm nhận âm thanh róc rách vang vọng tạo ra bởi dòng suối đang tuôn trào vỗ xô những ghềnh đá. Và rồi, hiện ra trước mặt, con suối nhấp nhô đá thấp, đá cao, hòn lớn, hòn nhỏ, cùng dòng nước trong vắt, mát lạnh.

   Thác Đổ Nghĩa Điền hiện ra ngất cao, ào ào nước đổ tung bọt trắng xóa. Thật là một cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ. Độ dài suối thác khoảng chừng 500 mét, nhiều tầng lớp đá, hòn to, hòn nhỏ tạo khe rảnh, con nước lúc len lỏi, chầm chậm, lúc tuôn chảy, gấp gáp. Và đặc biệt, từ trên cao chừng 30m một ngọn nước xối mạnh ào ào trên một vách đá dựng cao tạo nên cảnh thác nước đẹp và sảng khoái khi được ngâm mình trong dòng suối mát.

   Thác Đổ Nghĩa Điền tuy hoang sơ nhưng cứ mỗi dịp tết đến xuân về, dịp nghỉ lễ và nhất là vào mùa hè người dân trong huyện và các nơi về đây thăm thú hòa mình với thiên nhiên. Hy vọng tương lai không xa, Thác Đổ Nghĩa Điền sẽ được khai thác phục vụ du lịch của huyện trung du miền núi Hoài Ân.

                               

                                                Nước suối chảy len qua các lèn đá.



                     

                   

                                          

                           Suối đá nhấp nhô, nước chảy qua các gộp đá tạo âm thanh ầm ào.

                       


                            Vực đá dựng cao, nước từ dòng suối trên cao đổ xuống trông hùng vĩ.
                       

                                                 Cận cảnh khu vực chân thác nước.
                           

                                                                Toàn cảnh Thác Đổ.                          


                                              Du khách chụp ảnh lưu niệm bên thác nước.



   Bài, ảnh : Võ Chí Hà


    Ðảo Cù Lao Xanh (hay Vân Phi) nằm gần vịnh Xuân Ðài, thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Giữa vùng biển quanh năm sóng gió, nhiều khó khăn, những người dân trên đảo vẫn vững vàng tay lưới, vươn khơi bám biển, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc.

               

                                                 Phong cảnh làng chài trên đảo Cù Lao Xanh.


   Từ bờ biển Quy Nhơn hướng ra khơi xa có thể thấy một dáng đảo mờ xanh phía chân trời. Cách đất liền chưa đầy 17 km, nhưng để đến được Cù Lao Xanh là một hành trình khá gian nan. Xuất phát từ bến Hàm Tử, Quy Nhơn để đi Cù Lao Xanh, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu gỗ, khởi hành lúc một giờ chiều và trở về đất liền vào sáu giờ sáng hôm sau.

   Rời bến, con tàu nhấp nhô trên những con sóng bạc đầu. Cảng Hàm Tử êm đềm xa dần tầm mắt, sóng mạnh dần. Thuyền chao đảo, nghiêng ngả. Cơn say sóng "hành hạ" nhiều người. Ngay cả bà chủ tàu tên Lảm mới đầu hồ hởi thu vé của khách, nói cười rôm rả, thế mà đến nửa đường với vội khẩu trang, ngồi dựa mạn tàu... Bên ngoài, sự ồn ào của "bầy sóng" khiến con tàu gỗ lắc lư, lắm đoạn tràn cả vào mũi thuyền.

                         

                                           Nhộn nhịp cảng cá trên đảo Cù Lao Xanh.


   Khi chủ tàu thông báo "Cù Lao Xanh kia rồi", nhiều khách thở phào vì tưởng đã đến đích. Nhưng tiếp đó là thông báo chuyển sang thuyền nhỏ để vào đảo. Trước mắt chúng tôi, ba người đàn ông vừa chèo, vừa níu sợi dây thừng nối từ bờ cảng Cù Lao Xanh để kéo thuyền vào. Anh lính biên phòng cùng chuyến tàu lúc này mới rỉ tai tôi. Trước kia có bãi cát, thuyền có thể cập bến được. Nhưng sau sóng gió làm thay đổi, bãi cát biến mất, thuyền lớn chỉ ra được đến đây. Trong cơn sóng vỗ dồn dập, một trong ba ngư dân trên thuyền nhỏ phải vất vả nhiều lần tung dây để níu được thuyền vào con tàu khách. Qua vài ba lượt chuyên chở mất khá nhiều thời gian, ba chục hành khách trên tàu mới lên được đảo.

   Thế mới biết, cư dân của đảo đã phải bền bỉ, đều đặn vật lộn hằng ngày với biển để kết nối cuộc sống giữa đảo với đất liền. Qua đó đủ thấy, khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của ngư dân để bảo đảm những điều kiện tối thiểu trong lao động, sản xuất và sinh hoạt.

   Nỗi vất vả của chuyến đi được đền đáp khi chúng tôi đặt chân lên đảo bởi vẻ đẹp của cảnh quan và sự chân tình, chất phác của những người dân nơi đây. Làng chài nằm nghiêng dưới chân núi dường như trở nên thơ mộng hơn trong ráng chiều nhuộm vàng mặt biển. Quyện trong gió, khói lam chiều thoang thoảng hương lửa bếp, mùi cơm thơm pha trộn sự mặn mòi của biển. Khung cảnh thơ mộng như vậy vẫn không che được những thiếu thốn, khó khăn của Cù Lao Xanh. Hóng gió trên bờ kè ven biển chờ đoàn thuyền đánh cá về đảo, cụ Tấu vui vẻ bắt chuyện với các vị khách từ đất liền. Cụ cho biết, con trai lớn đang đi biển sắp cưới vợ, muốn vào Quy Nhơn mua sắm một số đồ cho con, ngặt một nỗi tuổi già, đi lại khó khăn và cũng phải đợi sau đợt đánh bắt tới mới đủ tiền. Bà Minh, hàng xóm của cụ Tấu ngồi cạnh chia sẻ: "Cuộc sống của bà con chỉ trông chờ vào biển, vất vả lắm, nhưng biết làm thế nào, mấy đời nhà tôi đã bám biển rồi. Trước đây, ông nhà tôi và các cháu cũng có ghe lớn, đánh bắt xa bờ. Sau này, đi biển lỗ quá, đành bán thuyền để đầu tư vào các thuyền nhỏ câu mực, gần bờ hơn".

   Buổi tối, anh Phong, cán bộ UBND xã Nhơn Châu đến góp chuyện cùng khách, tâm sự về những khó khăn của nghề biển trên đảo. "Những năm trước, cả đảo có 127 phương tiện tàu thuyền đánh cá cỡ lớn, nhiều sức ngựa. Nhưng hiện giờ còn ít, vì đi gần tháng trời mà mỗi người chỉ được một triệu đồng, người dân phải tính cách thay đổi phương thức đánh bắt, lựa chọn các phương tiện vừa phải và quy mô nhỏ, phù hợp khả năng kinh tế". Anh Phong nói, chỉ tay về hướng biển, nơi ánh đèn của các thuyền đánh cá đêm lập lòe, giải thích: "Bây giờ, dân trên đảo tập trung vào đánh bắt cá cơm, cá mực, thu nhập ổn định mà chi phí không quá tốn kém".

                               

                                     Trẻ em làng chài Cù Lao Xanh vui chơi trên bãi biển.

   Trước đây, Cù Lao Xanh chỉ có đường đất chật hẹp, gồ ghề thì hiện nay, với sự hỗ trợ của tỉnh, xã đã đầu tư bê-tông hóa toàn bộ đường liên thôn. Ðây được coi là một sự thay đổi lớn đối với nhân dân xã đảo, hàng chục năm trước, ít người biết đi xe, nhưng trẻ con hiện đã đi học bằng xe đạp, hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy. Bên cạnh đó, một cầu cảng cá được ngân sách nhà nước đầu tư cùng một hệ thống bơm nước ngọt, nước sạch dành cho sinh hoạt của nhân dân, phục vụ nhu cầu xử lý, bảo quản hải sản. Mới đây, đảo có cả trạm tiếp sóng phát thanh - truyền hình và hệ thống đài truyền thanh cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân toàn xã...

   Theo ban lãnh đạo xã Nhơn Châu, số lượng hộ nghèo của xã hằng năm đều giảm từ 20 đến 30 hộ. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 38,4% thì qua 14 năm phấn đấu, đến nay chỉ còn 57 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18% tổng số hộ toàn xã. Sự đổi mới về cuộc sống này đã giúp đời sống tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt; các lễ hội truyền thống của nhân dân xã đảo được bảo tồn và giữ gìn; phong trào thể dục - thể thao được duy trì và phát huy; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, từ thiện cũng được quan tâm và được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng ghi công.

   Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, cuộc sống của cư dân trên đảo Cù Lao Xanh giờ đã khởi sắc, tươi mới. Bác Ðặng Văn Chiến, từng là công an viên của xã đứng cạnh chiếc ghe chở nặng cá cơm, hồ hởi: "Tôi quê gốc Tam Quan, ra đảo lấy vợ và lập gia đình hàng chục năm nay. Nhờ những thúng cá cơm này và đàn lợn chăn nuôi mà vợ chồng tôi nuôi được năm đứa con ăn học đàng hoàng. Ba đứa đang học đại học".

   Buổi sáng, bình minh trên biển Nhơn Châu rạng ngời. Thuyền bè tấp nập ra khơi, cập cảng. Vượt qua khó khăn để vươn lên, làm chủ cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả, khó khăn, Cù Lao Xanh và xã đảo Nhơn Châu đang vững vàng hướng về phía trước với quyết tâm làm giàu từ biển, góp một phần nhỏ bé trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.


   Ông Phan Văn Binh, Bí thư Ðảng ủy xã Nhơn Châu: Những năm gần đây, sau khi định hình rõ hướng dịch vụ và đánh bắt, tình hình đời sống nhân dân trên đảo đang từng bước cải thiện rõ rệt. Người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Ngoài đánh cá, nhiều hộ dân còn làm nông nghiệp, nuôi trai lấy ngọc, nuôi gà, lợn, làm dịch vụ phục vụ đánh bắt hải sản, mở quán ăn và buôn bán tạp hóa,... Vốn bỏ ra không nhiều nhưng thu lại hiệu quả. Kinh tế khởi sắc nên chúng tôi có điều kiện cải tạo, xây dựng lại đường sá giao thông. Nhà cửa được xây dựng kiên cố khang trang. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ.




   Theo Phong Chương (báo Nhân dân)

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014



Một trong những nét độc đáo nhất khi nói về miền đất võ Bình Định đó là có nhiều làng võ tồn tại lâu đời. Tuy nhiên, hiện nay hai trong ba làng võ nổi danh nhất là An Vinh, An Thái đang trên đường trở thành… hoài niệm.
 

Cố gắng níu giữ

Trước đây, ở làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) có nhiều võ đường nổi tiếng thu hút đông người học. Cùng với sự đi xuống trong phong trào luyện tập võ cổ truyền, nhiều võ đường ở đây cũng đã ngừng dạy. Hiện tại, chỉ còn võ đường Bình Sơn (thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc) là cố gắng gìn giữ việc truyền dạy võ được tiếp nối qua nhiều thế hệ của dòng họ Lâm.

Cách đây khoảng 6 năm, trong lần gặp mặt đầu tiên với võ sư Lâm Ngọc Phú tại võ đường Bình Sơn, chúng tôi được ông chia sẻ nỗi niềm về việc giới trẻ trong vùng không còn mặn mà học võ… Trở lại võ đường Bình Sơn một ngày đầu tháng 4, chúng tôi thắp nhang tưởng nhớ võ sư Lâm Ngọc Phú. Ông khuất núi khi còn nhiều hoài vọng, tâm huyết với võ cổ truyền chưa thực hiện được. Bà Lê Thị Nhạn, người bạn đời của võ sư Lâm Ngọc Phú, cho biết: “Sau khi ông nhà mất, con gái tôi là Lâm Thị Hồng Hạnh đã đi thi lấy bằng huấn luyện viên cấp tỉnh để tiếp tục kế nghiệp cha đứng lớp dạy học trò tại khoảnh sân nhỏ sau vườn nhà, nhưng cũng chỉ có ít người học. Tại nhà con trai tôi là Lâm Ngọc Ánh ở gần đây có nhiều học trò hơn”.


   

Hai cha con võ sư Trần Dần đang cố gắng gìn giữ phong trào luyện tập võ cổ truyền tại An Vinh.


Chúng tôi tìm gặp võ sư Lâm Ngọc Ánh (59 tuổi) đang ngồi sửa bình ắc quy trong nhà, đây là công việc mưu sinh chính của ông. Nghe hỏi về việc gìn giữ truyền thống làng võ An Thái, ông buồn bã tâm sự: “Chủ yếu dịp hè mới có nhiều học sinh đến học võ để tự vệ là chính. Tôi và em gái đều dạy võ miễn phí, bỏ thêm tiền túi ra mua sắm dụng cụ cho các em luyện tập để động viên gắn bó gìn giữ võ cổ truyền”.

Làng võ An Vinh cũng đang trong tình trạng không còn nhiều điểm dạy, người học võ cổ truyền. Kiên trì nhất trong việc gìn giữ truyền thống ở làng võ An Vinh là võ đường của võ sư Trần Dần (thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) đã được Bộ VH-TT&DL tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp võ thuật cổ truyền. Võ sư Trần Dần (76 tuổi) tâm sự: “Tôi tuổi cao sức yếu, cũng nhờ có con trai út Trần Văn Trong chịu theo nghiệp cha để hỗ trợ truyền dạy cho học trò. Lượng người học ngày càng ít lại không theo đuổi lâu dài, nên khó tìm được người đáp ứng yêu cầu để truyền dạy nhiều bài quyền An Vinh có giá trị độc đáo riêng mà tôi đang gìn giữ”.

Cần sự tiếp sức

Trước đây, các võ sĩ ở An Vinh, An Thái luôn phát huy tốt truyền thống khi thi đấu đối kháng và đoạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, việc chỉ còn vài võ đường với ít người học đã khiến phần lớn các võ đường ở An Vinh, An Thái dần “chìm khuất” trong sự phát triển của phong trào luyện tập võ cổ truyền ở các địa phương trong tỉnh hiện nay.

Võ sư Lâm Ngọc Ánh cho biết: “Để góp phần đưa võ cổ truyền tiếp cận nhiều người học hơn, Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn nhiều lần có giấy giới thiệu, đề nghị Trường THCS Nhơn Phúc tạo điều kiện cho tôi vào truyền dạy võ cho học sinh nhưng đều không được...Tôi cũng có khá nhiều học trò tận Nghệ An, Thanh Hóa vào, đam mê luyện tập và thể hiện năng khiếu rất tốt. Tiếc là hoàn cảnh kinh tế của các em khó khăn nên không thể ở lại tập luyện nhiều năm, tôi muốn giữ học trò cũng không có điều kiện”.

Khó khăn trong việc giữ học trò gắn bó lâu dài để nâng cao trình độ, tiếp bước trong việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền cũng là điều mà võ sư Trần Dần trăn trở. “Khôi phục phong trào luyện tập võ cổ truyền ở An Vinh vừa dễ lại vừa khó. Dễ là tại địa phương vẫn còn một số người dạy võ tâm huyết để truyền dạy. Khó là làm sao giữ chân được các em, bởi nhiều gia đình hiện nay cũng không muốn con em gắn bó lâu dài với nghiệp võ vì đầu ra còn bấp bênh”, võ sư Trần Dần phân tích.

Khôi phục phong trào luyện tập võ cổ truyền ở An Vinh, An Thái là việc làm cấp thiết không chỉ mang ý nghĩa về mặt thể thao, mà còn là bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của miền đất võ Bình Định. Điều này không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một số ít võ đường hiện nay, mà đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Trên cơ sở khảo sát, tìm hiểu sự đi xuống của phong trào luyện tập võ cổ truyền ở xã Tây Vinh, chúng tôi đang bàn bạc để lập đề án trình lãnh đạo huyện đề nghị có sự quan tâm đầu tư khôi phục lại phong trào tại địa phương”.

HOÀI THU



Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=12&macmp=13&mabb=20255